Nvidia có thể chịu thiệt hại lên đến 5,5 tỷ USD do ảnh hưởng từ lệnh hạn chế xuất khẩu chip AI H20 sang Trung Quốc và một số thị trường khác. Ngày 9/4, hãng cho biết Chính phủ Mỹ yêu cầu công ty phải xin giấy phép đặc biệt nếu muốn tiếp tục xuất khẩu các dòng chip AI sang những khu vực này. Thông báo từ Nvidia làm dấy lên lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng của hãng có thể chậm lại trong bối cảnh các quy định kiểm soát xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Cùng Ario tìm hiểu thông tin chi tiết dưới đây nhé.

Theo các cơ quan chức năng Mỹ, chip H20 có khả năng được sử dụng trong các siêu máy tính phục vụ mục đích quân sự. Đây là lý do khiến sản phẩm rơi vào danh sách bị kiểm soát chặt chẽ.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip AI từ năm 2022 và tiếp tục cập nhật các quy định trong năm 2023 để ngăn chặn việc bán các dòng chip AI tiên tiến hơn. Để thích ứng, Nvidia phát triển riêng chip H20 cho thị trường Trung Quốc nhằm tuân thủ các yêu cầu từ phía Mỹ. Doanh thu từ dòng chip này trong năm ngoái dao động trong khoảng 12 đến 14 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo CEO Jensen Huang, doanh thu của Nvidia tại Trung Quốc đã giảm một nửa so với thời điểm trước khi lệnh cấm được ban hành. Ông cũng cảnh báo rằng mức độ cạnh tranh tại thị trường đại lục đang ngày càng khốc liệt, với Huawei liên tục được nêu tên là đối thủ chính trong hai năm liên tiếp.
Theo báo cáo thường niên, Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ tư của Nvidia, sau Mỹ, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Mặc dù có hiệu năng tương đương với các dòng chip H100 và H200 đang được phân phối tại Mỹ và các thị trường khác, chip H20 lại có tốc độ kết nối và băng thông thấp hơn. Sản phẩm này được xây dựng trên kiến trúc Hopper mà Nvidia công bố vào năm 2022. Hiện nay, hãng đang ưu tiên phát triển và phân phối dòng chip AI mới mang tên Blackwell.
Nvidia lập luận rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể cản trở sự cạnh tranh và làm suy yếu vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ. Sau lệnh cấm năm 2022, công ty đã chuyển một số hoạt động như kiểm thử và phân phối ra khỏi Trung Quốc. Tuy vậy, CEO Huang nhấn mạnh rằng khoảng 50% chuyên gia nghiên cứu AI toàn cầu đến từ Trung Quốc, và phần lớn trong số họ vẫn đang làm việc tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu đặt tại Mỹ.