Trước thông tin ứng dụng Telegram có thể bị chặn tại Việt Nam, nhiều người dùng tỏ ra đồng tình, trong khi một số khác bày tỏ sự tiếc nuối. Cùng Ario tìm hiểu rõ vấn đề ngay dưới đây nhé.
Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện biện pháp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam trước ngày 2/6, theo yêu cầu từ cơ quan công an. Nguyên nhân chính là Telegram không tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt trong việc giám sát, kiểm soát và ngăn chặn nội dung vi phạm.
Phản ứng trước yêu cầu này, nhiều ý kiến cho rằng việc chặn Telegram là cần thiết bởi đây là nền tảng có nhiều rủi ro như lừa đảo, phát tán nội dung xấu và các hành vi trái pháp luật. Anh Nhật Minh kể lại việc từng bị lừa mất hơn 100 triệu đồng sau khi bị dụ chuyển từ Facebook sang Telegram bởi một nhóm mạo danh đơn vị tổ chức cuộc thi toán học.
Tính năng bảo mật cao và mã hóa đầu cuối vốn là điểm mạnh của Telegram, nhưng lại vô tình trở thành công cụ để kẻ gian ẩn danh, xoá dấu vết dễ dàng. Một độc giả nhận xét: “Người dùng có thể xoá toàn bộ cuộc trò chuyện mà không báo cho đối phương – điều này khiến việc truy vết trở nên khó khăn. Nếu Telegram không xử lý vấn đề này, thì nên bị loại bỏ”.

Chị Khánh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) ủng hộ việc chặn Telegram “ngay và luôn” vì cho rằng ứng dụng tạo điều kiện cho tội phạm ẩn danh, dễ dàng thay đổi danh tính và biến mất chỉ bằng một thao tác.
Anh Đức Thịnh (Hoàng Mai, Hà Nội), từng là người dùng trung thành, đã quyết định xoá ứng dụng sau khi bị mời vào hàng loạt nhóm có nội dung bạo lực, ấu dâm và hàng cấm. “Nó không khác gì một phiên bản ‘dark web’”, anh chia sẻ và hoàn toàn ủng hộ việc chặn ứng dụng.
Tương tự, anh Quang Thái cho rằng phần lớn các nhóm trên Telegram liên quan đến nội dung khiêu dâm, cờ bạc, môi giới mại dâm. Theo anh, ứng dụng đang bị biến tướng và trở thành công cụ cho các hoạt động phạm pháp, vì vậy cần có biện pháp mạnh.
Tuy nhiên, vẫn có người tỏ ra tiếc nuối vì Telegram sở hữu nhiều tính năng tiện ích như giao diện dễ dùng, tốc độ gửi tin nhanh, khả năng gửi tệp lớn và lưu trữ không giới hạn. Anh Tuấn Khôi (TP HCM) chia sẻ: “Tôi hy vọng các ứng dụng nhắn tin khác sẽ sớm phát triển để thay thế Telegram”.
Một số người cho rằng, bản chất của lừa đảo không nằm ở nền tảng, mà ở việc quản lý và xử lý các đối tượng vi phạm. Do đó, cần chú trọng kiểm soát nội dung và tăng cường xử lý hơn là chỉ tập trung vào việc chặn ứng dụng.
Theo đại diện Cục Viễn thông, Telegram đã nhiều lần bị yêu cầu hoàn thành thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, nhưng vẫn không chấp hành. Trong khi đó, các nền tảng khác như Zalo, Viber, Facebook Messenger hay WhatsApp đều đã thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định pháp luật.
Nguồn: VNEXPRESS