Với hơn 18.700 màn chơi, Candy Crush Saga đã và đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như một “kỹ thuật viên hậu cần” để tối ưu hóa quá trình phát triển game. Theo ông Todd Green, Tổng giám đốc thương hiệu Candy Crush, AI giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả, cho phép đội ngũ tập trung vào việc sáng tạo các màn chơi mới thay vì phải tự tay cập nhật, tinh chỉnh từng màn một.
Việc ứng dụng AI trong ngành công nghiệp game nhận nhiều quan điểm trái chiều. Trong khi Candy Crush dùng AI để hỗ trợ kỹ thuật, không ảnh hưởng đến trải nghiệm người chơi hay thay thế nhân sự, một số diễn viên lồng tiếng và nhà phát triển game lại lo ngại công nghệ này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ, dẫn đến cuộc đình công SAG-AFTRA hồi tháng 7/2024.
Green khẳng định công ty không tích hợp chatbot vào game hay cho người chơi trực tiếp sử dụng các tính năng AI. Thay vào đó, AI được dùng trong hậu trường để cải thiện độ chính xác và tốc độ làm việc, giải quyết những khó khăn vốn tồn tại trong quá trình phát triển nội dung.
Dữ liệu từ Hiệp hội Phần mềm Giải trí (ESA) cho thấy, năm 2024 người Mỹ đã chi hơn 51,3 tỷ USD cho nội dung game, một nửa trong số đó dành cho trò chơi di động – hình thức chơi phổ biến nhất từ độ tuổi 8 trở lên. Candy Crush, ra mắt từ năm 2012, đến nay vẫn duy trì sức hút với hàng triệu người dùng toàn cầu. King – công ty phát hành game – đã được Activision Blizzard mua lại vào năm 2016 với giá 5,9 tỷ USD, và hiện thuộc sở hữu của Microsoft.

Joost Van Dreunen, chuyên gia và tác giả sách về kinh tế ngành game, nhận định Candy Crush là một trường hợp đặc biệt: một ứng dụng miễn phí, hơn một thập kỷ tuổi, nhưng vẫn thu hút lượng lớn người dùng “khát nội dung”. Việc áp dụng AI để tăng tốc sáng tạo nội dung là hoàn toàn hợp lý.
Về mặt kỹ thuật, mỗi màn chơi chỉ là một bàn cờ duy nhất. Nhờ dữ liệu từ các màn chơi trước đây, AI có thể hỗ trợ mở rộng quy trình thiết kế, đảm bảo mỗi bàn mới đều thú vị ngay từ lần đầu chơi. Đồng thời, các màn chơi cũ cũng được cập nhật để duy trì sức hấp dẫn. Tuy nhiên, AI không tạo nội dung mới hoàn toàn mà đóng vai trò hỗ trợ hậu trường.
Một thách thức lớn với King là không có đủ người chơi thử để lấy phản hồi, nên họ phải đảm bảo chất lượng ngay từ đầu. Đồng thời, công ty cũng chú ý đến người chơi cũ, tạo sự mới mẻ để lôi kéo họ quay lại game.
AI giúp đội ngũ thiết kế phân tích cách người chơi tương tác với từng màn, như tỷ lệ vượt màn hay số lần xáo trộn bàn cờ, từ đó tối ưu hóa trải nghiệm. Nhờ tự động hóa một phần khâu phác thảo, họ có thể nâng cấp hàng nghìn màn chơi mỗi tuần – điều mà trước đây chỉ làm được với vài trăm.
Candy Crush cũng sắp xếp màn chơi không theo thứ tự độ khó. Một màn dễ có thể đi sau một màn khó để tạo cảm giác bất ngờ và phong phú cho người chơi. Theo Green, cảm nhận về độ khó phần lớn mang tính chủ quan, tùy thuộc vào mỗi cá nhân.
Nguồn: ZNEWS